Không hẳn trở thành quy luật bất biến, nhưng sự đời vốn là vòng tuần hoàn của những mất mát, mà nguyên nhân chủ yếu lại xuất phát từ bản tính hay khoe khoang, khoác lác của con người. Người không biết khiêm tốn thường sẽ tự tin và cao ngạo trên mức bình thường, lâu dần sẽ không coi ai ra gì, từ đó dễ dẫn tới thất bại. Người có năng lực và bản lĩnh ít ai nhiều lời về thành tích của bản thân, thay vào đó họ muốn lắng nghe đánh giá khách quan từ những người xung quanh.
Người không biết khiêm tốn thường sẽ tự tin và cao ngạo trên mức bình thường.
Nghịch lý thứ nhất: Khoe điểm mạnh, hoá thành điểm yếu
Không ít người cho rằng, việc nói ra sự thật về bản thân không chỉ là hành động thành thực với người mà còn với chính bản thân mình. Người không dối gạt thiên hạ đương nhiên có quyền tự hào về nhân cách và phẩm chất của mình, song đây lại là điều tuyệt đối kiêng kỵ. Khi bản thân khoe khoang những ưu điểm vượt trội của mình cũng đồng nghĩa với việc họ đang tự tay hạ thấp giá trị của bản thân.
Người tự cho mình cái quyền đặt bản thân cao hơn một bậc so với người khác tự nhiên sẽ khiến đối phương cảm thấy tổn thương hơn bao giờ hết. Người tự đề cao, tán thưởng bản thân trước mặt người khác vô tình sẽ tạo cảm giác bi ai trong lòng những người xung quanh. Không ít những người đã xấu đi thậm tệ theo thời gian chỉ vì trước đó luôn tự ca tụng nhan sắc của mình. Cũng chẳng thiếu người tán gia bại sản vì trước đó hay khoe mẽ sự giàu sang, dư dả hơn người.
Người tự đề cao, tán thưởng bản thân trước mặt người khác vô tình sẽ tạo cảm giác bi ai trong lòng những người xung quanh.
Thứ gì càng khoe mẽ lại càng dễ đánh mất, ví như khoe con cái trong nhà học hành giỏi giang, thuận lợi đồng nghĩa với việc bạn đang hại con. Việc khoe khoang thành tích của con vô tình tạo nên sự đố kỵ từ những người xung quanh, dễ tạo ra rắc rối và trắc trở đối với tương lai của con sau này. Ngay cả việc khoe mẽ thành tựu học tập của bản thân thì cũng nên đề phòng đường học vấn, thi thố gặp trở ngại.
Nghịch lý thứ hai: Khoe kế hoạch tương lai, sớm ngày đổ vỡ
Người thông minh và sâu sắc đương nhiên hiểu rõ việc giấu kín những thứ chưa hoàn thành và các kế hoạch ở tương lai sẽ cần thiết như thế nào trong quá trình tranh giành “vương miện”. Toàn bộ những việc làm hay tính toán còn dang dở suy cho cùng cũng nằm trong thế giới riêng tư của người trong cuộc. Mà đã là riêng tư thì càng ít người biết càng tốt, được nhất vẫn là đợi tới lúc công việc hoàn thành suôn sẻ.
Người không giữ được những bí mật cá nhân chính là kiểu người nông nổi và thất bại cũng là chuyện của tương lai gần.
Chưa kể, trong quá trình tiết lộ đường đi nước bước của bản thân vô tình sẽ để lộ những thông tin tuyệt mật cho kẻ địch lợi dụng làm chuyện không hay. Người không giữ được những bí mật cá nhân chính là kiểu người bồng bột, nông nổi, sai lầm và thất bại cũng là chuyện của tương lai gần. Cũng giống như việc “nói trước thường bước không qua”, mọi tính toán trong lòng một khi chưa hoàn thành như ý, nếu để kẻ khác biết thêm thì rất nhanh sẽ trở thành mây khói vô nghĩa.
Nghịch lý thứ ba: Bêu rếu điểm xấu của người khác, nhận về vận xui liên tiếp
Không phải tự nhiên mà nói người có thói quen phóng đại và thường xuyên bêu rếu điểm yếu của người khác rất dễ sẽ đón nhận lại điều tương tự. Những người này thường rất ích kỷ và nhỏ mọn, luôn tranh thời cơ để “vạch lá tìm sâu”, tìm mọi lỗi lầm của người khác đem ra để bàn tán xôn xao, biến thành trò cười cho thiên hạ. Dường như hầu hết kiểu người này đều rất có hứng thú với yếu kém, thiếu sót của người xung quanh, cũng chẳng ngại biến nó trở thành trung tâm của mọi lời bàn ra tán vào.
Những người này thường rất ích kỷ và nhỏ mọn, luôn tranh thời cơ để “vạch lá tìm sâu”, sớm muộn cũng bị "gậy ông đập lưng ông".
Con người không ai là hoàn hảo tuyệt đối, người tài giỏi cách mấy ít nhiều cũng tồn tại những khiếm khuyết, nhược điểm khó lòng tránh khỏi. Hành động đem những thiếu sót của người khác ra để bêu xấu và bàn tán chẳng khác nào đang tự “bôi tro trát trấu” lên mặt mình. Đem cái tồn tại trong tính cách cũng như hành động của một người nhân rộng khắp nơi cũng đồng nghĩa với việc tự làm xấu hình ảnh, nhân cách của mình. Người như thế đương nhiên chẳng xứng nhận được sự tôn trọng, giúp đỡ.
Nhìn chung, mỗi người đều có một “cái tôi” rất lớn, khó có thể dung hoà trong tập thể rộng lớn và luôn tồn tại nhiều điều phức tạp. Làm người ít nhiều cũng đều có bản ngã riêng, đôi khi ngông cuồng tự đại, đôi khi mơ ước viễn vông, đôi khi lại vỗ ngực ra oai cho mình là nhất và chẳng coi ai ra gì. Song, việc phạm vào những nghịch lý trên đây mới chính là nguồn gốc cơ bản của mọi sự bi thương, mất mát của mỗi cá nhân trong cuộc sống muôn màu.
Facebook - bình luận