Dạo gần đây, Nhật Nguyệt lại đọc được vài bài viết về những màn cải nam trang "giả trân" trên phim Hoa ngữ. Cũng vì tò mò mà mình đã đi tìm hiểu sơ về vấn đề này và phát hiện ra, ngày xưa việc giả trai chẳng hề khó khăn, phức tạp như chúng ta nghĩ đâu. Và dù phim ảnh Hoa ngữ có hơi làm lố thật, nhưng cũng chẳng phải sai hoàn toàn.
Nhớ hồi trước khi xem Cúc Tịnh Y trong Thư Sinh Xinh Đẹp, Dương Mịch trong Hộc Châu Phu Nhân, Đường Yên trong Cẩm Tú Vị Ương... mình và nhiều bạn đều đặt dấu hỏi vì tất cả họ đều "mặt hoa da phấn", dáng vẻ mảnh mai, giọng nói ỏn ẻn mà vẫn khiến dàn nam nhân trong phim tin sái cổ. Thậm chí, chúng ta còn từng buông lời cay đắng: "Không lẽ các nhân vật trong phim đều có vấn đề về mắt".
>>> Xem thêm: Quên Tịnh Y - Dương Tử bánh bèo đi, Cbiz còn nhiều mỹ nhân cổ trang giả trai cực soái
Thực tế, trong lịch sử vốn chẳng thiếu những câu chuyện nữ giả nam trang mà chẳng ai hay. Kinh điển nhất chính là Hoa Mộc Lan. Tương truyền nàng sống ở thời Bắc Ngụy, thay cha tòng quân, nhập ngũ 12 năm, sống chung một chỗ với hàng vạn nam giới mà chẳng ai phát hiện được thân phận thật. Mãi đến khi nàng tháo chiến bào, thay váy, búi tóc bôi phấn thì người ta mới biết nàng là phận nữ nhi.
Việc này đến từ quan điểm thẩm mỹ của người xưa. Thuở ấy, trai đẹp đều là phải những người ngọc thụ lâm phong, làn da trắng nõn, dáng vẻ thư sinh mảnh mai, hành động nho nhã, từ tốn như Phan An hay Lan Lăng Vương... Thậm chí, trong vài thời đại đặc thù, nam giới cũng thích chưng diện chẳng kém chị em là mấy.
Ví dụ như thời Đường hay Tống, nam tử cài hoa trên đầu vốn chẳng phải việc lạ. Hay có những giai đoạn, họ còn thích mặc đồ rộng thùng thình thướt tha, đánh phấn cho da thêm nõn nà.
Ở thời cổ đại, vì đồ ăn thiếu thốn nên chiều cao trung bình của mọi người đều thấp, nam giới chẳng hề cường tráng như chúng ta vẫn tưởng tượng. Bởi vậy việc nam và nữ đều thấp bé nhẹ cân, dáng người gầy gò na ná nhau vốn chẳng hề lạ. Đặc biệt ở vùng nông thôn, nữ giới cũng phải ra đồng làm lụng như nam giới, làn da trở nên thô ráp, ngăm đen càng khiến sự chênh lệch về ngoại hình giảm bớt.
Chưa kể, người xưa vẫn luôn quan niệm: "Thân thể tứ chi, lông tóc da thịt, đều là cha mẹ phú cho", bởi vậy mà dù là trai hay gái đều phải để tóc dài giống nhau. Nếu muốn cố tình giả dạng thì đúng là khó phát hiện hơn thật.
Nguyên nhân tiếp theo là đồ nam giới ngày xưa thường là những tấm vải lớn được may rộng thùng thình, mặc nhiều lớp. Nếu là phận chị em "chung thủy, trước sau như một" thì chẳng cần phải lo lắng làm gì. Còn nếu thuộc dạng "điện nước đầy đủ" thì chỉ cần học các nhân vật trong phim, dùng dải lụa dài, bó chặt là che lấp được ngay.
Và nguyên nhân lớn nhất chính là vì tư duy bị bó hẹp của người cổ đại đã dần hình thành định kiến, người không mặc váy chắc chắn là nam. Thế nên các chị em khi đó nếu có ý định cải nam trang thì thường sẽ rất khó bị lộ.
>>> Xem thêm: Khi mỹ nhân cổ trang giả trai: Nhiệt Ba - Cúc Tịnh Y "bánh bèo", thua xa Trương Bá Chi
Dĩ nhiên, không phải vì thế mà Nhật Nguyệt đồng tình với phong cách làm lố của nhiều đoàn phim Hoa ngữ khi quay phân đoạn nữ cải nam trang. Nếu không thể làm tự nhiên được như Lâm Thanh Hà hay Diệp Đồng, thì cũng tém tém lại một chút đừng kẻ mắt to tròn, tô son, đánh má hồng như kiểu sợ người ta không biết mình là phận nữ nhi như thế.
*Bài viết do Nhật Nguyệt gửi về DienAnh.Net
Nếu yêu thích các ngôi sao Hoa ngữ và phim ảnh, hãy vào ngay DienAnh.Net để cập nhật những thông tin mới nhất, thú vị nhất nhé!
Facebook - bình luận