Qua thực tiễn cuộc sống người xưa đúc kết, dù có phải trải qua bao nhiêu biến cố cũng nhất định giữ lấy cho được 7 chữ "vàng", bởi đấy chính là "vốn liếng", là kim chỉ nam trên suốt cuộc đời của mỗi người.
Sống ở đời, nỗi buồn và niềm vui luôn tồn tại song hành và ai trong chúng ta cũng sẽ phải trải qua. Dẫu vậy, cuộc sống dù có xô đẩy bạn đến đâu và dù có xảy ra trăm lần thất bại thì cũng đừng để mình "thua sạch", chí ít cũng biết giữ lại cho mình một chút "vốn liếng" sau cùng...
Nhất định giữ lấy cho được 7 chữ "vàng", bởi đấy chính là "vốn liếng" trên suốt cuộc đời của mỗi người.
Ẩn
Cổ nhân dạy: "Cao nhân không lộ tướng, hiền đức chẳng khoe mình" - sống ở đời ai cũng phải biết "ẩn" một chút, khiêm nhường một chút, đừng bao giờ tỏ ra khoe khoang sự nhanh nhạy, thông minh của mình bởi như vậy rất dễ khiến người đời khó chịu, ganh ghét, đố kỵ. Thậm chí, nhiều người cũng vì quá khoe mẽ nên thường không nhận được sự giúp đỡ của mọi người xung quanh khi gặp trắc trở, khó khăn.
Thường xưa nay, những người thật sự có thực tài không bao giờ tỏ ra khoe mẽ bản thân và họ luôn biết "ẩn" đúng lúc đúng chỗ. Những người ấy thường chọn cách che giấu năng lực của bản thân và khiêm nhường trước mọi người, họ chỉ thật sự bộc lộ tài năng của mình khi cần hoặc trong những thời khắc quyết định. Những người càng có tài lại càng hay che giấu thân phận, chẳng bao giờ cậy tài hoặc khoe mẽ bản thân hợm hĩnh.
Sống ở đời ai cũng phải biết "ẩn" một chút, khiêm nhường một chút, đừng bao giờ tỏ ra khoe khoang.
Phòng
Ông bà xưa có câu: "Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy"; hoặc: "Tâm hại người thì không thể có, tâm phòng người thì không thể thiếu". Vậy nên, "phòng" cũng là đạo lý làm người mà ai cũng cần ghi nhớ trên bước đường đời của mình.
Tất nhiên, luôn trong tâm thế đề phòng những mối hiểm họa xung quanh là điều hoàn toàn hợp lẽ, nhưng không vì vậy mà tự biến mình thành một con người quá đa nghi hoặc đề phòng với tất cả mọi thứ xung quanh mình. "Phòng" ở đây là biết phòng bị một hướng đi khác, một phương án khác, để khi chẳng may sa cơ thất bại thì bạn vẫn còn có cơ hội "bày keo khác" hoặc có cho mình một đường lui an toàn.
"Phòng" cũng là đạo lý làm người mà ai cũng cần ghi nhớ trên bước đường đời của mình.
Ổn
"Ổn" ở đây là những ổn định phương hướng, trong tính cách, trong giao tiếp và trong cả việc đối nhân xử thế của mỗi người. Sống ở đời, ai cũng cần phải biết kính trên nhường dưới, không được hành động xốc nổi, bởi có như thế thì mới có thể thành công.
Bên cạnh đó, dù làm gì cũng phải để sự ổn định lên hàng đầu, bởi đấy mới chính là nền tảng vững bền giúp chúng ta tiến những bước xa hơn. Kỳ thật, trong công việc hoặc cuộc sống hiện tại, ai muốn tiến càng xa, bước càng cao thì càng phải đặt nền móng thật ổn định và vững chãi cho mình.
Sự ổn định mới chính là nền tảng vững bền giúp chúng ta tiến những bước xa hơn.
Biến
Cổ nhân có câu: "Cùng tất biến, biến tất thông và thông tất cửu" - nghĩa là đường cùng ắt có biến, nhưng biến hóa rồi cũng sẽ thông và thông rồi thì ắt sẽ bền vững. Thế giới này vốn dĩ đã luôn thiên biến vạn hóa, sự tuần hoàn của cuộc sống chẳng bao giờ ngừng lại và vạn vật cũng chẳng thể ngừng thay đổi.
Thế nên, ai cũng cần phải chuẩn bị sẵn tâm thế để giúp mình đối mặt với mọi sự thay đổi theo hướng tích cực nhất. Nhưng cuộc sống mà không có "biến", không có sự đổi dời thì chỉ là "sống mòn" thôi. Sống trên đời cốt bởi tùy duyên, đừng cưỡng cầu mà dễ đối mặt với phong ba bão táp.
Đường cùng ắt có biến, nhưng biến hóa rồi cũng sẽ thông và thông rồi thì ắt sẽ bền vững.
Kiềm
"Kiềm" chính là việc đề cập đến sự kiềm chế bản thân trước những cám dỗ của cuộc đời, tránh để bản thân mình rơi vào những hố sâu sa ngã không phanh.
Phàm, cuộc sống luôn bày ra trước mắt chúng ta rất nhiều cám dỗ, và những điều xấu xa ấy cũng như liều thuốc độc có thể khiến bạn lạc lối u mê, chìm đắm trong vô thức để rồi đến lúc nhận ra đã tự đánh mất bản thân mình. Thế nên, nếu muốn làm chủ cuộc đời mình thì bạn phải học cách "kiềm", học cách cưỡng lại những cám dỗ hư vô ấy.
Kiềm để tránh bản thân mình rơi vào những hố sâu sa ngã không phanh.
Thoái
Ông bà xưa răn dạy: "Giúp người khác một con đường sống cũng là giúp chính mình một con đường lui". Làm người, dù người ta có xem mình là gì, đối xử với mình ra sao thì cũng đừng nên tuyệt tình, tuyệt hậu đối với họ, lại càng không thể ép họ quá đáng.
Chừa cho họ một con đường sống cũng chính là chừa lại cho mình một đường thoái lui. "Thêm bạn bớt thù", giúp người cũng là giúp mình và là cách bảo vệ mình hay nhất!
Chừa cho họ một con đường sống cũng chính là chừa lại cho mình một đường thoái lui.
Nhẫn
"Nhẫn thì biển lặng sóng yên/Nhẫn thì nóng giận ưu phiền nở hoa..." - từ ngàn đời nay, "nhẫn" luôn được xem là triết lí cuộc sống và là bài học rất sâu sắc mà ai trong chúng ta cũng cần ghi nhớ.
Tất nhiên, "nhẫn" không có nghĩa là nhẫn nhịn và chịu đựng trong tủi nhục, lại càng không phải là sự yếu đuối hoặc sợ hãi, mà nhẫn chính là... "Nhẫn một chút sóng yên gió lặng/Lùi một bước biển rộng trời cao", là năng lực của người đại trí. Cổ nhân từng dạy: "Việc nhỏ không thể nhẫn thì việc lớn sẽ khó thành" - người không học được chữ "nhẫn" ắt chẳng bao giờ có thể làm nên đại sự.
Nhẫn thì biển lặng sóng yên/Nhẫn thì nóng giận ưu phiền nở hoa...
Cuộc sống phức tạp hay đơn giản, hạnh phúc hay khổ đau... tất cả đều phụ thuộc phần lớn vào cách nghĩ, cách đối nhân xử thế của mỗi người. "Cuộc đời của mỗi người là một tấm gương, và chúng ta dùng tâm thái nào để nhìn đời thì "tấm gương" ấy cũng sẽ trả lại cho chúng ta những thứ y như thế". Vậy nên, muốn tâm thái bình an thì trước hết phải ghi nhớ 7 chữ "vàng" trên và thay đổi bản thân mình theo hướng tích cực nhất.
Facebook - bình luận