Tôi muốn bạn hiểu rằng, thuở mới chào đời, trí óc con người là những chiếc hộp hoàn toàn trống rỗng. Chúng ta mở mắt đón nhận ánh sáng mặt trời đến trong cuộc đời mình với sự đau khổ bằng không và với niềm vui cũng bằng không.
Chỉ có bố mẹ và gia đình ta thì hài lòng và hạnh phúc. Hạnh phúc đó xuất hiện thông qua tiếng khóc đầu tiên mà chúng ta cất lên, để minh chứng cho Trái đất này lại đón chào một sinh linh mới vừa hiện hữu.
Chúng ta chào đời với một trí óc hoàn toàn trống rỗng
Qua thời gian tồn tại và những tiếp xúc với hoàn cảnh bên ngoài, chúng ta dần nhận ra thế giới này là một thứ kỳ lạ, một điều gì đó khó hiểu và đầy rẫy những toan tính của thế nhân. Vì vậy những chiếc hộp trống rỗng ngày nào bỗng tự nhiên đầy lên, chứa đựng cũng toàn những thứ phức tạp khó lý giải giống như thế giới ta đang sống vậy. Vũ trụ quan của chúng ta tốt hay xấu, “giàu hay nghèo”, giá trị hay vô giá trị đều phụ thuộc vào cách ta làm đầy những chiếc hộp này như thế nào và từ đó con người ta cũng dần dần được định hình.
Những chiếc hộp rỗng, không đợi chúng ta chỉ đạo, theo thời gian liền mở ra và đón nhận mọi thứ hỉ, nộ, ái, ố đến từ thế giới và hầu như tất cả chúng đều xuất phát từ thứ “đồ” sở hữu của người khác. Ta ít quan tâm đến việc nên cho vào hộp những gì là của mình và do mình tạo ra. Vì thế chúng ta dễ rơi vào tình trạng “nghèo khó” về tinh thần, một trạng thái khô khan cảm xúc và tư duy.
"Chiếc hộp trống rỗng" thuở xưa giờ đây bị lấp đầy bởi những suy nghĩ về gánh nặng cuộc đời
Việc chúng ta có cảm thấy yêu bản thân hay không, có trách nhiệm với bản thân nhiều hay ít và tự tạo hình ảnh đẹp hay xấu cho mình như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách ta đem những gì thu nạp được từ thế giới bên ngoài và từ chính những suy nghĩ nội tâm của ta cho vào những chiếc hộp đó.
Sẽ là những ngày ta điên cuồng với thứ gọi là “áp lực phải học thật giỏi” đến từ nhà trường và gia đình. Mặc dù với bản tính tò mò và hiếu động của một đứa trẻ, chúng ta dường như chẳng ai muốn phải đi học. Tại sao lại đi học và tập làm bạn với những gì người ta dạy – những thứ không phải của ta và không xuất phát từ tâm hồn ta trong khi có thể tự do học tập ở nhà bất cứ lúc nào ta thích?
Tại sao không thể vui đùa với cuộc sống mà lại luôn để tâm suy nghĩ đến những chuyện rắc rối?
Tại sao người ta thường hay tự vật lộn tâm trạng của mình trong nghề dạy học với đồng lương ít ỏi, truyền đạt cho học trò những thứ mà người khác tạo ra trong khi câu hỏi “mình là ai và mình là cái gì?” còn chưa tự bản thân giải đáp được? Câu trả lời rõ ràng đơn giản, trẻ nhỏ cần được chỉ dạy nên làm điều gì cho đúng và hợp đạo lý, còn nhà giáo đã chọn cho mình mục tiêu của cả cuộc đời: truyền đạt kiến thức cho học trò.
Tuy nhiên, những điều chúng ta nên tự mình suy xét là năng lực học tập và khả năng làm chủ được tư duy của mình. Chúng ta nên đi học để hiểu được những kiến thức nền tảng, còn ngoài ra những áp lực vô hình về điểm số hay cấp độ thì đừng bao giờ để chúng xen vào tâm trí và xáo trộn tư duy vốn rỗng không từ trước khi đi học của chính mình.
Trần trụi với thiên nhiên, hồn nhiên như cây cỏ - Thơ Nguyễn Duy
Rồi những tháng ngày tiếp theo, chúng ta vật lộn với thứ áp lực điên rồ gọi là công việc, ngày đêm phải chạy đua với thời gian để kịp cho hạn cuối của dự án đang thực hiện mà khách hàng và cấp trên giao phó. Tại sao chúng ta lại khổ sở như vậy khi đơn giản có thể sống một cuộc đời thoải mái mà vô cùng ý nghĩa một mình Trần trụi với thiên nhiên/ Hồn nhiên như cây cỏ.
Năm rộng tháng dài qua đi, con người lại càng trưởng thành thêm một tí. Những suy nghĩ giản đơn, khờ dại đầu đời được thay thế bằng tư duy chín chắn và già dặn hơn. Nhưng qua đó, chúng ta cũng phải gánh vác thêm nhiều những nặng nề về toan tính, những xét đoán và so đo giữa người và ta. Chúng ta mang nợ trên vai, rồi phải nhọc công đổi trả những món nợ của cuộc đời đem lại. Cũng vì thế mà đời sống vốn dĩ sẽ ngập tràn hạnh phúc của ta lại chất chứa thêm biết bao nhiêu phiền não.
Niềm cô đơn của những người trưởng thành là khi đối mặt với những gánh nặng cuộc sống
Kết: Theo tôi, bạn hãy tự tạo cho mình một chiếc hộp hoàn toàn trống rỗng, để khi thực sự quá mệt mỏi trước những áp lực nặng nề và những nỗi thống khổ cùng cực mà cuộc đời tạo ra, chúng ta im lặng nhìn vào đó bằng con mắt bình thản hoặc thậm chí ung dung nhắm mắt lại để “bước” hẳn mình vào trong đó và không làm gì cả, chỉ tìm một nơi vắng vẻ để ngồi yên tĩnh tại cùng với một tâm trí lắng đọng, trống rỗng. Mọi cảm giác thư thái nhất sẽ bắt đầu lan tỏa trong từng mạch máu khi chúng ta ngừng hẳn những suy nghĩ lan man, những tư duy xét đoán về thời cuộc, chỉ để tập trung duy nhất vào trong hơi thở và nhịp đập con tim mình.
*Bài đóng góp của thành viên DienAnh.Net.
Facebook - bình luận