Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao bản thân luôn khao khát, ao ước được quay trở lại thời học sinh, niên thiếu để thực hiện những ước mơ còn dang dở chưa? Hoài niệm là một cảm giác ao ước được sống lại một khoảng thời gian trong quá khứ. Đó là một cảm xúc khó diễn đạt bằng lời nói, mà chỉ khi người ta được trải qua mới có thể hiểu được.
Hoài niệm đến với mọi người thông qua nhiều thứ, chẳng hạn một chiếc đèn pin inox cổ điển cũng đủ khiến bạn muốn sống lại những năm tháng cũ, hay chiếc radio phát thanh cùng những bản tình ca nhạc Trịnh, thậm chí là một bộ phim mang màu sắc của những năm 80, 90 khiến các thế hệ gen Z sắm sửa những bộ quần áo “xịn xò” để “đu trend”.
Có thể thấy, xu hướng hoài cổ đã và đang dần trở thành “mốt” của đại đa số giới trẻ ngày nay khi họ ngày càng chuộng những gì thuộc về quá khứ mang tính kế thừa. Ngành điện ảnh cũng thế, điển hình là Em và Trịnh, một dự án được đầu tư với 50 tỷ đồng, tái hiện lại bối cảnh trong giai đoạn 1960 - 1990 về chuyện tình của Trịnh Công Sơn cũng như các bản tình ca bất hủ ngày nào.
Ở bài viết này, Bánh Đúc sẽ điểm qua những bộ phim điện ảnh Việt mang màu sắc cổ điển đã từng “gây sốt” và ảnh hưởng đến phong cách của mọi người nhé. Trước tiên là “chủ nhà”.
Em và Trịnh - Trịnh Công Sơn
Cùng một dự án do chính Phan Gia Nhật Linh chỉ đạo, điểm chung của cả hai phim đều tái hiện lại cuộc đời của cố nghệ sĩ Trịnh Công Sơn qua các thước phim khung hình 4:3, gây thương nhớ bởi bối cảnh trong những năm 1960-1990 cùng các bản tình cả nhạc Trịnh.
Trịnh Công Sơn lấy bối cảnh chủ yếu vào giai đoạn thập niên 60, thời điểm nhân dân đang phải gồng mình đấu tranh, giành độc lập, đòi dân chủ. Qua đó khắc họa nguồn cảm hứng và chân dung của Trịnh Công Sơn cùng những rung động thời niên thiếu với Bích Diễm, Dao Ánh và tri âm Khánh Ly.
Em và Trịnh mang đến câu chuyện về cuộc đời của Trịnh trải dài từ trẻ đến lúc tuổi già qua góc nhìn của một nghệ sĩ tài hoa ở độ tuổi xế chiều. Bối cảnh tập trung vào giai đoạn 1989-1990 là chủ yếu. Song song đó là những trang ký ức về thời niên thiếu của anh được kể lại qua cuộc trò chuyện với Michiko. Lúc này, người ta thấy một Trịnh Công Sơn trầm lắng, nhiều tâm tư hơn về cuộc đời.
Cả hai tác phẩm đều sử dụng chất liệu xưa cũ, đậm chất hoài cổ bởi những bản nhạc trữ tình của Trịnh Công Sơn như Ướt mi, Diễm xưa, Ta thấy gì đêm nay, Tình nhớ… Bên cạnh đó, là một Huế mộng mơ, u buồn với những cơn mưa bất chợt vào những năm 60 và một Đà Lạt quạnh hiu, đầy nỗi niềm của những người phục vụ văn nghệ, nơi trao nhau ánh mắt đầu tiên của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.\
>>> Xem thêm: Em Và Trịnh: Phim có nhiều cái đẹp, nhưng đẹp nhất là các "em"
Mắt Biếc
Cầm trịch dự án là đạo diễn Victor Vũ, nhà làm phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, cùng nhiều tác phẩm đình đám khác như Scandal: Bí Mật Thảm Đỏ, Cô Dâu Đại Chiến, Quả Tim Máu…
Mắt Biếc là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nội dung chính xoay quanh chuyện tình nhiều cung bậc cảm xúc của Ngạn và Hà Lan. Cả hai đã cùng nhau trưởng thành và gặp không ít biến cố cùng những sóng gió của cuộc đời phía trước.
Ra mắt vào năm 2019, Mắt Biếc dần trở thành một hiện tượng được đông đảo khán giả yêu thích bởi những chi tiết: chuyến tàu cuối cùng, Hà Lạn bỏ Ngạn, bỏ Đo Đo để sống với Dũng, hay chính ca từ trong lời bài hát Có chàng trai viết lên cây, Từ đó… đã khiến khán giả năm ấy một phen “hớp hồn” bởi sự ngọt ngào, thơ mộng. Hơn nữa, bộ phim còn mang một màu sắc đậm chất “vintage” khi tái hiện xứ Huế vào những năm 70.
Mắt Biếc là tác phẩm được đánh giá đầu tư vào phần hình ảnh cũng như âm thanh. Sự kết hợp đồng điệu của hai yếu tố đã làm nên một tác phẩm đậm chất cổ điển, xứng đáng là một bộ phim dành cho những người muốn hoài niệm về tuổi trẻ ngày xưa.
>>> Xem thêm: Em Và Trịnh: Được yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời người
Tháng Năm Rực Rỡ
Nhắc đến cổ điển, không thể không kể đến bộ phim Tháng Năm Rực Rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Với hai mốc thời gian hiện tại và quá khứ, bộ phim có sự đa dạng về bối cảnh khiến mình như được sống lại những năm tháng vui chơi tưng bừng cùng lũ bạn.
Phim kể về Hiểu Phương (Hồng Ánh) - một phụ nữ trung niên có cuộc sống bình yên, sung túc. Tình cờ gặp lại Dung "đại ca" (Thanh Hằng) - người bạn cũ đang mắc ung thư thời kỳ cuối, Hiểu Phương quyết định đi tìm các gương mặt từng thất lạc trong nhóm bạn Ngựa Hoang ở Đà Lạt cách đây 25 năm.
Cũng giống như Em và Trịnh, Tháng Năm Rực Rỡ có sự đầu tư về phần nhìn khi xây dựng hàng loạt các bối cảnh quen thuộc tại Thành phố Đà Lạt hiện lên đặc trưng với những bậc thang quanh co, đồi thông, góc cà phê, khu chợ... Sự tỉ mỉ của nhà làm phim còn được thể hiện qua những tờ bạc 50 nghìn, 20 nghìn đồng bằng giấy vào những năm 2000.
Bên cạnh đó còn là vẻ đẹp thời thượng của phong cách thời trang những năm 70, sự đang dạng, màu mè của những chiếc áo sơ mi và quần nhung tăm, hay những bộ váy họa tiết “floral” đủ cho bạn hưởng trọn không khí cổ điển, gây hoài niệm thương nhớ đó.
Cô Ba Sài Gòn
Mở đầu và làm nên trào lưu cổ điển, retro là Cô Ba Sài Gòn, một tác phẩm mang đậm dấu ấn thời trang của những năm 60. Phim kể về hành trình xuyên không của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) từ năm 1969 đến 2017 trong một lần vô tình mặc chiếc áo dài gia truyền của nhà Thanh Nữ.
Được mệnh danh là Cô Ba Sài Gòn nổi tiếng vào cuối những năm 1969, Như Ý luôn từ chối chiếc áo dài cũng như truyền thống của gia đình. Hành trình xuyên không ấy đã giúp cô tìm được tình yêu và kĩ năng may một bộ áo dài, trở thành truyền nhân của nhà may Thanh Nữ.
Không bàn đến kịch bản, Cô Ba Sài Gòn đã đưa mình du hành về những năm 60 ở khoảng 30% thời lượng đầu phim, tại đây chúng ta sẽ gặp lại những bộ trang phục mang phong cách pop art, hippie đầy màu sắc sặc sỡ.
>>> Xem thêm: Em và Trịnh: Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Đan xen với trào lưu phá cách lúc bấy giờ, chiếc áo dài Việt Nam lên ngôi như một “nữ tướng” thống lĩnh thời trang, vừa nhẹ nhàng, thanh lịch, lại duyên dáng, đến độ “celeb” Kiều Bảo Hân, biểu tượng thời trang năm ấy còn phải rũ bỏ phong cách thường ngày và diện một chiếc áo dài trình diễn ca khúc Mộng chiều xuân.
Cô Ba Sài Gòn là một trong những tác phẩm dành cho những ai yêu thích thời trang cổ điển, phá cách của thập niên 60. Là một tác phẩm khiến biết bao người hoài niệm về một Sài Gòn đã qua.
Cô Gái Đến Từ Hôm Qua
Là bộ phim chuyển thể dựa trên truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chỉ đạo thực hiện.
Cô Gái Đến Từ Hôm Qua là câu chuyện hấp dẫn đan xen giữa quá khứ và hiện tại qua lời kể của cậu học trò láu lỉnh – Thư. Những kỷ niệm ngày bé của Thư và người bạn thuở nhỏ Tiểu Li xen lẫn với những tình huống dở khóc dở cười giữa cậu và cô bạn cùng lớp – hoa khôi Việt An.
Có thể nói chuyển thể một tiểu thuyết đã khó, chuyển thể một tiểu thuyết lấy bối cảnh nhiều năm trước càng khó hơn. Tuy nhiên, đạo diễn đã thành công trong việc truyền tải không khí của thập niên 90, giúp khán giả của Cô Gái Đến Từ Hôm Qua vừa được thưởng thức tác phẩm mình yêu thích trên màn ảnh rộng và sống lại lần nữa những kỷ niệm của thuở ấu thơ.
Kịch bản và tuyến truyện được xây dựng đan xen quá khứ và hiện tại, khiến cho hồi ức và thực tại cứ thế ùa về một cách nuối tiếc đong đầy, người xem được dịp dâng trào cảm xúc theo nhân vật.
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Cuối cùng trong bài viết này, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của đạo diễn Victor Vũ là một bộ phim chắc chắn sẽ khiến nhiều người nhớ về những buổi chiều thơm ngát mùi lúa trên cánh đồng, khu chợ đông đúc tại những vùng quê hay đường làng quanh co… Tất cả sẽ được tái hiện lại khiến nhiều người không khỏi hoài niệm về ký ức làng quê.
>>> Xem thêm: Em và Trịnh: Âm nhạc gợi nhiều cảm xúc, hoài niệm thời "ông bà anh"
Câu chuyện kể về cuộc sống của hai anh em Thiều và Tường ở làng quê nghèo ven biển vào thời điểm năm 1989. Hai cậu bé cùng chia sẻ đủ thứ chuyện trẻ con, những bí mật của nhau,... cho đến khi một cô bạn gái dễ thương dọn đến sống cùng dưới một mái nhà và trận lụt lớn càn quét qua làng.
Điều đặc biệt là những ai từng xem phim này, đều có thể có cái nhìn tổng thể về đất nước Việt Nam thời bấy giờ: nghèo khó, cơ cực nhưng đầy nghĩa tình. Theo dõi câu chuyện của 2 cậu bé, nhiều người sẽ như được quay lại tuổi thơ với những trò chơi, công việc truyền thống và cả sự thay đổi trong suy nghĩ tuổi mới lớn. Mọi thứ được làm một cách trong sáng, chân thật.
Bộ phim xây dựng một Việt Nam rất đỗi thân quen của những người thế hệ cũ, các chi tiết xuất hiện phần nào khiến mình bồi hồi về một làng quê thân thương đậm chất Việt Nam. Là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh mang đến những phút giây dễ chịu và nhẹ nhàng, và có thể là đôi giọt nước mắt dù là ở câu chuyện hay việc hoài niệm, gợi nhớ.
* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Phim chiếu rạp
Nếu bạn yêu thích điện ảnh Việt Nam , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Em và Trịnh? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận