x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Việt

Phim Việt nửa đầu năm 2022: Đầu tư càng khủng, thua lỗ càng nặng

Hoa Le 20:30 - 27/05/2022

Nhạt nhoà, rập khuôn có lẽ là những tính từ chính xác nhất mà tôi dùng để mô tả về phim Việt nửa đầu năm 2022. Tính đến nay đã có hơn 14 tác phẩm nội địa đủ thể loại ra rạp, nhưng số lượng lại chẳng thể nào tương xứng với chất lượng. Nên các bộ phim đành ngậm ngùi chấp nhận thua lỗ, dù có mức đầu tư cực kỳ hoành tráng. 

Nếu coi hiệu ứng truyền thông và doanh thu là 2 yếu tố tiên quyết để quyết định thành công của một bộ phim, thì đáng buồn thay khi rất ít tác phẩm Việt làm được điều này. Ngẫm đi ngẫm lại từ đầu năm tới giờ, tôi thấy đâu đó được vài tác phẩm ấn tượng. Một trong số đó phải kể đến Đêm Tối Rực Rỡ - bộ phim nội địa xuất sắc nhất nhưng được làm bởi đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto. 

Không cần một dàn sao hùng hậu, cũng chẳng cần PR rầm rộ, nhưng bộ phim độc lập này vẫn thu về con số 12 tỷ đồng trong chưa 1 tuần công chiếu và chốt sổ với doanh thu hơn 20 tỷ đồng. Đây rõ ràng không phải một con số khủng so với nhiều bom tấn nhưng lại là kỳ tích với một phim độc lập, kinh phí thấp và còn là mơ ước của nhiều phim Việt, trong đó có Trạng Tí. 

Bên cạnh đó, chúng ta có Chuyện Ma Gần Nhà - bộ phim gây ra vô số tranh cãi, nhưng lại tạo được hiệu ứng truyền thông tốt ngay sau khi công chiếu. Điều này giúp bộ phim này thu về 58,7 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam). 

Tôi biết sẽ nhiều khán giả nói bộ phim này có nhiều vấn đề để chê, nhất là khoản nội dung nửa vời, thiếu logic, nhưng không thể phủ nhận việc vượt qua vòng kiểm duyệt với những cảnh quay đầy yếu tố kinh dị, tâm linh đã đủ để Chuyện Ma Gần Nhà gây tò mò và kéo khán giả ra rạp.

Xếp ngay sau 2 tác phẩm này, Bẫy Ngọt Ngào Nghề Siêu Dễ có lẽ sẽ đứng “chung mâm” khi có doanh số siêu khủng lần lượt là 83 và 67 tỷ đồng. Tôi nghĩ rằng yếu tố khiến 2 bộ phim này thu hút khán giả không chỉ bởi dàn sao hạng A hùng hậu mà còn bởi nội dung dễ xem dễ cảm, tấu hài cực mạnh. Nên khi đi xem tôi gần như không phải suy nghĩ gì bởi 2 tác phẩm này mang giá trị giải trí đúng nghĩa. Mà tôi nghĩ rằng chỉ cần làm khán giả Việt vui, cười sảng khoái trong rạp là bộ phim đã thành công được 1 nửa rồi.

 Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn khi nhiều tác phẩm được đầu tư kinh phí khủng nhưng bị chê tơi tả, không có khán giả đi xem. Dịp đầu năm, chúng ta có những nỗi thất vọng như Bóng Đè, Mưu Kế Thượng Lưu, 1990, Chìa Khoá Trăm Tỷ. Những tác phẩm này đều có dàn sao xịn, đầu tư kinh phí ở mức ổn, nhưng lại gây thất vọng vì khán giả chẳng mấy mặn mà đi xem, hiệu ứng truyền thông cũng không thực sự bùng nổ. Nếu không phải có thiên thời địa lợi nhờ ra mắt dịp Tết thì tôi nghĩ 1990 và đặc biệt là Mưu Kế Thượng Lưu sẽ chẳng có khán giả. 

Dường như các nhà làm phim cũng ngầm cảm nhận được sự thất bại ấy, nên sau khi công chiếu, những tác phẩm này cũng trôi vào quên lãng và không được PR rầm rộ, “ô dề” như trước. 

Gần đây nhất, chúng ta có Kẻ Thứ 3, con cưng của Lý Nhã Kỳ nhưng ngậm ngùi chịu lỗ. Hiếm khi tôi thấy nữ đại gia kim cương lại năng nổ đến vậy khi cô liên tục đi cinetour để quảng cáo cho phim. Rõ ràng bỏ ra đến 33 tỷ mà chỉ thu về doanh số 955 triệu (tính tới ngày 27/5 theo Box Office Vietnam), vé ế ẩm, nguy cơ thuy nỗ lặng thì Lý Nhã Kỳ sẽ phải lo lắng lắm. Dù tôi biết, tiền vốn không phải vấn đề với mợ chảnh, nhưng sao có thể nhìn con cưng của mình rút khỏi rạp trong ê chề như vậy. 

Nối gót bộ phim của tài tử Hàn Quốc - Han Jae Suk, 578 - Phát Đạn Của Kẻ Điên cũng đang đứng trước tình tế bán vé hết năm cũng không thể bù lỗ. Tính đến ngày 27/5, bộ phim debut của Hoa hậu H’hen Niê chỉ thu về khoảng 3 tỷ đồng, trong khi số tiền đầu tư lên đến 60 tỷ đồng. Nếu tính tỉ lệ sương sương… ăn chia với nhà rạp là 50 - 50 và kinh phí dừng lại ở 60 tỷ không có phát sinh, thì nghĩa là phim phải thu… 120 tỷ đồng thì mới giúp nhà sản xuất huề vốn (sau khi chia 50% số tiền phòng vé cho rạp). Thế thì ngẫm lại, tôi cũng thấy tội vì đoàn phim còn thiếu tới… 117 tỷ đồng để hoà.   

Có được ê-kíp hùng hậu toàn những tên tuổi lớn, quảng bá là bộ phim hành động chịu chơi nhất màn ảnh Việt nhưng cuối cùng 578 vẫn là lỗ nặng. Ngay đến cả danh tiếng của Hoa hậu đình đám nhất Vbiz cũng không thể tạo được hiệu ứng truyền thông rầm rộ cho bộ phim này. 

Vậy nguyên nhân do đâu khiến cho những bộ phim Việt thua lỗ nặng nề, trong khi đầu tư khủng, dàn sao siêu hot? Tôi nghĩ rằng kinh phí không có lỗi, lỗi là ở kịch bản. Yếu tố quan trọng nhất của một bộ phim là phần kịch bản lại bị ngó lơ. Khi nội dung thiếu logic, không có gì hấp dẫn, chẳng mang lại bất cứ giá trị nào cho người xem, thì dàn sao hùng hậu cỡ nào, đầu tư bối cảnh hoành tráng ra sao cũng không thể thành công được. 

Lấy ví dụ như bộ phim 578 - Phát Đạn Của Kẻ Điên, được PR là bộ phim hành động chịu chơi nhất màn ảnh, với những đại cảnh siêu hoành tráng, có sự tham gia của 1.000 diễn viên, nhưng tổng thể nội dung rời rạc, vô lý, mục đích của các nhân vật chính chưa thuyết phục, chuyển cảnh gấp khúc. Trong khi đó, nội dung của Kẻ Thứ 3 khiến tôi có cảm giác như bê nguyên từ phim nước ngoài về, nhưng lại được làm một cách cẩu thả, hời hợt. Dẫn đến kịch bản trở nên dễ đoán, cũ rích, nhàm chán. 

Chưa dừng lại ở đó, diễn xuất của dàn sao cũng là một dấu hỏi lớn đối với tôi. Mang tiếng là sao hạng A đình đám nhưng nhiều người thậm chí bị chê bai. Nói có sách, mách có chứng như bộ phim 578, dù rất yêu quý Hen nhưng tôi vẫn phải chê diễn xuất của cô. Hoá thân thành đả nữ trên màn ảnh Việt, nàng hậu có những màn tung cước khá ấn tượng, tạo hình siêu ngầu nhưng đài từ gượng gạo, như học thuộc lòng rồi chạy vào set quay đọc lại. 

Chưa kể, bộ phim quảng cáo về sự tham gia của Hen rất rầm rộ, nhưng ngẫm lại cô cũng chỉ như góp vui vào tác phẩm bằng 2-3 phân cảnh. Nam chính cũng không khá khẩm hơn là bao vì vốn tiếng Việt khá kém, lời thoại nhìn chung hết sức ngô nghê. 

Trong bộ phim Kẻ Thứ 3, Lý Nhã Kỳ trong vai nữ chính lại là người duy nhất kéo cả tác phẩm tụt xuống. Dù tài tử người Hàn cùng Kim Tuyến đã gánh còng lưng cũng không thể che đậy được sự giả trân trong lối diễn của mợ chảnh. Rõ ràng Kim Tuyến diễn rất ổn, nhưng chị đúng nghĩa là “kẻ thứ 3” vì không được trao nhiều đất diễn, đứng ngoài lề của bộ phim.

>>> Xem thêm: Phim Việt tháng 5: Đầu tư chục tỷ nhưng lỗ nặng vì kịch bản kém

Ngay đến cả bộ phim hội tụ ngọc nữ màn ảnh - Ninh Dương Lan Ngọc, nữ hoàng nước mắt - Nhã Phương như 1990 thì cũng chẳng phải tác phẩm xuất sắc về mặt diễn xuất. Các diễn viên hạng A không có sự thay đổi gì đáng kể so với những vai diễn trước, một màu, nhạt nhoà và không có chiều sâu. Hay Kiều Minh Tuấn - Thu Trang suy cho cùng cũng chỉ làm tròn vai, diễn hài tới bến như bao bộ phim khác, chưa thực sự có sự bứt phá nào trong 2 bộ phim gần đây. 

Nhiều người sẽ tự hỏi, không biết từ khi nào, sự đầu tư khủng, chỉn chu trong bối cảnh, nghiêm túc trong quá trình thực hiện lại mang lại thua lỗ nặng nề. Những tưởng chỉ có những bộ phim kém chất lượng kiểu mì ăn liền, tiền ít nhưng đòi hít doanh thu cao thì mới dễ bị thất bại. Nhưng tôi thấy rõ ràng chất lượng và kinh phí không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với nhau. Một bộ phim hay, chất lượng kịch bản tốt không đồng nghĩa với việc cứ rót tiền nhiều vào là được, và ngược lại. 

Thế nên, tôi chỉ mong rằng các nhà làm phim hãy làm ra những tác phẩm có tâm, có tầm và lấy gốc rễ là kịch bản chất lượng. Thời gian sắp tới, đường đua phim Việt sẽ đón thêm 1 tân binh đã được chờ đợi suốt nhiều năm qua - Em Và Trịnh, nên tôi vừa kỳ vọng vừa hoài nghi về chất lượng của bộ phim này. Bởi rõ ràng về hiệu ứng truyền thông, dù đã làm đủ các họp báo, showcase rồi đêm nhạc từ Hà Nội tới Sài Gòn, lên Đà Lạt nhưng vẫn không nhiều khán giả quan tâm tới tác phẩm này. 

Trong khi nội dung làm về một huyền thoại âm nhạc đã gắn liền với thế hệ 7x, 8x nhưng lại hướng tới khán giả trẻ như Gen Z, làm mới lại các ca khúc bất hủ khiến khán giả cảm thấy lạc lõng trong chính như ký ức của mình, Em Và Trịnh liệu có thành công được hay không? 

 >>> Xem thêm: Chu Diệp Anh và dàn sao nhí cực tài năng của bộ phim Maika

Có lẽ còn quá sớm để định đoạt tương lai của một bộ phim hay chất lượng một nền điện ảnh. Nên tôi hy vọng rằng Em Và Trịnh cùng nhiều bộ phim Việt khác sẽ được làm chỉn chu hơn, nhất là về khoản kịch bản, để không còn bộ phim nào đầu tư khủng nhưng nhận về trái đắng.

*Bài đóng góp của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net.

Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức mới nhất về làng giải trí nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

Phim Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng mượn nhân vật có thật để nói về tinh thần và những khát vọng của người Việt cách đây 100 năm.

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.