x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Việt

Phim kinh dị Việt 2022: Nhà làm phim lạc hướng, khán giả hoang mang

Lọ Lem 16:00 - 12/07/2022

Trước sự thất vọng tràn trề với những cái tên như Người Lắng Nghe, Bóng Đè, Kẻ Đào Mồ...thì hàng loạt phim kinh dị sắp sửa ra mắt vào dịp nửa cuối 2022 như Mười: Lời Nguyền Trở Lại, Hạnh Phúc Máu, Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái khiến mình phải đặt ra câu hỏi về hướng đi của thể loại phim này trong những năm gần đây. 

Những phim kinh dị Việt ra rạp trong khoảng những năm gần đây nói chung và nửa đầu 2022 nói riêng đều mang lại cho mình cảm giác hứng khởi lúc ban đầu và có chút thất vọng sau khi xem. Thực tế mà nói, mình nhìn thấy được nỗ lực của các nhà làm phim trong việc khai thác đề tài để tạo ra câu chuyện mới, nhưng cuối cùng, đa số lại rơi vào lối mòn trong khai thác. 

Bộ phim kết thúc, nó đặt dấu chấm hết cho câu chuyện, đồng thời cũng đặt dấu chấm hết trong lòng khán giả vì chẳng để lại ấn tượng gì sâu đậm. Dưới đây là một số điều mình nhìn nhận được qua sự thể hiện của một số phim kinh dị ra rạp trong khoảng nửa đầu 2022. 

Những câu chuyện “bình cũ, rượu cũ”, motif đi vào lối mòn

Nhắc đến thể loại phim kinh dị Việt Nam, lúc nào cũng là bối cảnh âm u, nhân vật có vấn đề về tâm lý và có sự xuất hiện của những “khách mời” kỳ lạ. Nơi diễn ra sự kiện cũng là những không gian hẹp, vắng bóng người qua lại,...Cách khai thác câu chuyện lại đi theo lối mòn và đầy tính sắp đặt. 

Nhà Không Bán, Người Lắng Nghe Bóng Đè là những minh chứng rõ nhất cho điều này. Nhà Không BánBóng Đè lấy bối cảnh một vùng quê Việt Nam. Các nhà làm phim đã cố gắng tạo nên một khung cảnh hoang vu, yên ắng, lạnh lẽo và ma mị để tạo nên cảm giác sợ hãi từ ban đầu. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong phim lại quá rối rắm, hời hợt và không thể truyền tải được thông điệp gì ngay từ những phút giây đầu tiên. 

Người Lắng Nghe thì đánh vào nhịp sống hiện đại của con người, phim khai thác sâu vào vấn đề tâm lý nhưng lại quá sa đà khiến mọi thứ trở nên vô lý. Là một bộ phim gắn mác kinh dị nhưng dường như Người Lắng Nghe lại chẳng có tí kinh dị nào. 

Nhà Không Bán
Bóng Đè
Người Lắng Nghe

Nguyên hình truyện phim và cả motif trong những tác phẩm kinh dị thời gian gần đây đang dần đi theo lối mòn đó chính là việc an toàn quá mức trong cách khai thác. Điều này khiến nhiều phim tuy nhìn khác nhau nhưng lại mắc những lỗi giống nhau. 

Nguyên hình truyện phim Cá ra khỏi nước (nhân vật chuyển đến nơi ở mới hoặc bước ra khỏi vòng an toàn) và Quái vật trong nhà (nhân vật bị một thế lực nào đó giam hãm trong ngôi nhà) là cách xây dựng khung sườn kịch bản vô cùng hợp lý cho thể loại phim kinh dị. Motif nhân vật đột nhiên trở thành người bị hại, bị “ám”, bị vấn đề về mặt tâm lý và sau đó diễn ra sự kiện “vờn nhau” với các thế lực tà ác cũng đã trở nên quá quen thuộc với khán giả đại chúng. 

Nếu sử dụng “bình cũ” nhưng có chất liệu hoặc cách khai thác “mới” thì không có gì đáng nói. “Bình cũ” và chất liệu hoặc cách khai thác cũng “cũ” luôn thì rất khó để tạo được sự bất ngờ và hứng thú cho người xem. Chính vì vậy mà mình thấy nhiều người cho rằng dòng phim kinh dị Việt Nam đang dần mất đi tính kinh dị vì dường như mọi đường đi nước bước trong phim đều quá “cũ” và kết cục cũng “đâu lại vào đó”.

Người Lắng Nghe
Bóng Đè

Câu chuyện ôm đồm và thiếu tính thuyết phục

Mình thấy đa số phản hồi tiêu cực từ phía người xem dành cho các bộ phim kinh dị đó là phim đang quá ôm đồm nhiều tình tiết và câu chuyện. Điều này khiến mình cảm thấy rất ngộp và đôi khi hoang mang không biết thật sự phim đang muốn truyền tải thông điệp gì hay thậm chí là đang muốn kể câu chuyện gì. 

Mình nghĩ tâm lý của các nhà làm phim là luôn muốn truyền tải đến khán giả những thông điệp sâu sắc nhất. Có thể vì vậy mà nhiều bộ phim luôn cố nhồi nhét vào đó nhiều thứ như một cách để người xem có thể nhận được nhiều nhất từ phim. Thế nhưng việc “bội thực” về mặt nội dung như vậy không những không đem lại hiệu quả gì, thậm chí còn khiến mình cảm thấy mệt mỏi hơn.

Bóng Đè

>>> Xem thêm: 9 phim Việt ra rạp nửa cuối 2022: Thể loại tâm lý, kinh dị lên ngôi

Một lỗ hổng lớn đến từ khâu kịch bản nữa là cách xây dựng nhân vật rất nửa vời, nhất là những vai liên quan đến tâm lý. Nhân vật bác sĩ tâm lý do Diệu Nhi thủ vai trong Người Lắng Nghe thật sự khiến mình cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Sự xuất hiện của vai bác sĩ tâm lý này làm chệch hướng hoàn toàn nội dung câu chuyện và khiến mình vô cùng hoang mang.

Cô bác sĩ tâm lý này thiếu kiến thức trầm trọng, mọi giả thiết cô đưa ra đều vô lý đến mức một người chẳng có chuyên môn gì nghe vào cũng biết là sai bét. Điều này kéo theo cả một chuỗi sự kiện lộn xộn, thiếu logic và kỳ cục diễn ra tiếp theo đó. Với cách xây dựng nhân vật vô cùng hời hợt, non nớt và có phần “qua mặt” khán giả thế này thì dù cho Diệu Nhi có đang nỗ lực thoát khỏi hình tượng một diễn viên hài thì cũng khó lòng có thể làm được. 

Bóng Đè
Bóng Đè

Mình thấy phim kinh dị về mặt cơ bản nó đã có yếu tố hơi hoang đường, kỳ ảo trong đó. Vậy nên điều quan trọng nhất là phải làm sao cho khán giả tin vào câu chuyện đó, nếu không sẽ rất dễ khiến mọi thứ trở nên vô lý, lộn xộn và thiếu tính thuyết phục.

Có phải tất cả tại kiểm duyệt?

Có nhiều phim kinh dị có ý tưởng ban đầu hay nhưng lại khai thác theo hướng quá thông thường, không tạo được điểm gì mới. Cũng có những bộ phim dám đi ngược chiều dư luận để kể một câu chuyện mang tính cá biệt và có phần bạo dạn hơn khi khai thác đề tài quá nhạy cảm. Cả hai hướng này đều có điểm chung là vướng vào vấn đề kiểm duyệt. 

Người Lắng NgheBóng Đè theo như cá nhân mình đánh giá thì phim có khởi đầu ổn, ý tưởng cũng hay và mới mẻ. Tuy nhiên, cách khai thác của cả hai phim này lại quá chán, quá đi vào lối mòn và cho mình một cái kết không thể hụt hẫng hơn khi khép lại câu chuyện bằng việc nhân vật gặp vấn đề tâm lý. 

Bóng Đè

Thiên Thần Hộ Mệnh cũng tưởng đâu đã có thể mang đến một câu chuyện mới lạ về Kumanthong và mặt tối của showbiz Việt nhưng cuối cùng lại kết thúc trong sự sắp đặt. Mọi thứ trong Thiên Thần Hộ Mệnh dù thật sự không xuất sắc nhưng mình cảm thấy vẫn ổn cho đến khi biết tất cả mọi thứ đều là một cái bẫy giăng ra để trả thù, chẳng có một thế lực siêu nhiên nào ở đây cả.

Thiên Thần Hộ Mệnh

Vì kiểm duyệt nên phim đành phải kết thúc như vậy chính là cái khiên hoàn hảo để kết thúc luôn những bình luận của khán giả. Nhưng thực tế, có thực sự là như vậy hay không khi vẫn có những bộ phim có những cái kết khác được ra rạp. 

Rừng Thế Mạng tuy không xuất sắc, nhiều chỗ chỉ đặt ra vấn đề chứ không làm rõ và diễn biến phim cũng không ấn tượng gì với mình. Tuy nhiên, Rừng Thế Mạng chính là bộ phim cho mình nhìn thấy được sự cố gắng vượt ra khỏi những cái kết gây hụt hẫng cho khán giả yêu mến dòng phim kinh dị. Rừng Thế Mạng có đề cập đến những yếu tố siêu nhiên. Tuy nhiên, phim đã để cho nó xuôi dòng, để cho khán giả tự cảm nhận và không đưa ra một giả thiết hay một sự lý giải nào cho những điều kỳ lạ diễn ra. Để mọi thứ kết thúc trong sự bí ẩn đôi khi cũng lại là một cái kết hợp lý hơn những sự lý giải gượng ép.

Rừng Thế Mạng
Rừng Thế Mạng

Hiện nay cánh cửa kiểm duyệt cũng đã thoáng hơn, cho phép những câu chuyện về “ma thật” được phép ra rạp. Nó không còn bó buộc các nhà làm phim vào khuôn khổ phải đẩy câu chuyện của mình vào đường cùng với những cái kết ma giả, giấc mơ hay vấn đề tâm lý đã khiến khán giả quá ngán ngẩm nữa.

Nhà làm phim lạc hướng, khán giả hoang mang

Mình thấy nếu nói là kịch bản của những bộ phim kinh dị hiện nay thiếu tính sáng tạo thì không phải. Rõ ràng có rất nhiều bộ phim có ý tưởng khởi đầu vô cùng tốt. Chính vì vậy mà nó dễ dàng tạo được sự hứng thú, tò mò cho người xem kể từ khi công bố dự án. Thế nhưng nó lại rơi vào tình trạng chung là cách khai thác câu chuyện có tính mới lạ, sáng tạo ấy lại cực kỳ khuôn sáo. Đi xem phim về đọc bài review 10 bài thì hết 9 bài có đại ý khá giống nhau đó chính là “ý tưởng hay nhưng khai thác lại dở”.

Dù tay nghề có chắc đến đâu thì mình nghĩ mỗi dự án, mỗi câu chuyện, các nhà làm phim vẫn phải bắt tay làm lại từ đầu. Tìm ý tưởng hay thật sự không khó như cách triển khai nó thành một câu chuyện có mở đầu, diễn biến, cao trào, kết thúc và cả lồng ghép vào đó những thông điệp sâu sắc, rõ ràng. 

Ngôi Nhà Trong Hẻm
Bóng Đè

>>> Xem thêm: Mười 2: Ôn lại về Mười 2007 trước khi xem bản nặng đô hơn

Việc loay hoay và lạc hướng trong chính câu chuyện của mình cũng là điều thường xuyên gặp phải đối với các nhà làm phim. Ngay cả cái tên cộm cán với dòng phim kinh dị như Lê Văn Kiệt với Ngôi Nhà Trong Hẻm, sau 10 năm “yêu lại từ đầu” với Bóng Đè cũng cho thấy được sự mất phương hướng trong cách dẫn dắt bộ phim. Chính vì vậy mà mình thấy nhà làm phim thì lạc hướng, nhân vật thì loay hoay, bản thân mình khi xem những bộ phim như vậy cũng cảm thấy cực kỳ hoang mang.

Nỗ lực khai thác dòng phim kinh dị dân gian nhưng vẫn đang chờ đến độ chín muồi

Từ Bóng Đè Chuyện Ma Gần Nhà, mình thấy được sự nỗ lực khai thác dòng phim kinh dị dân gian (folk horror) của các nhà làm phim. Cả Bóng Đè Chuyện Ma Gần Nhà đều tạo được hiệu ứng truyền thông vô cùng tốt, có rất nhiều bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội xoay quanh hai bộ phim này. Dĩ nhiên là vẫn có những phản ứng trái chiều nhưng dù gì đó cũng là một khởi đầu vô cùng tích cực do hướng khai thác mới này. Điều đặc biệt là doanh thu của Bóng ĐèChuyện Ma Gần Nhà đều nằm ở mức tạm ổn. Vậy nên có thể thấy được tiềm năng khá lớn của dòng phim kinh dị dân gian ở Việt Nam. 

Từ khoảng giữa 2022 trở về sau cũng có rất nhiều dự án kinh dị khai thác chất liệu dân gian ra rạp. Những cái tên đã được công bố là Vô Diện Sát Nhân, Mười: Lời Nguyền Trở Lại, Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái, Lost In Mekong Delta, Tết Ở Làng Địa Ngục,...Dần dần mình đã thấy được sự đa dạng trong cách chọn đề tài cũng như nội dung triển khai của những bộ phim thuộc thể loại này hơn. 

Dường như những nhà làm phim vẫn đang cố gắng để đa dạng hóa nội dung của các bộ phim kinh dị và mang lại những trải nghiệm mới lạ hơn cho khán giả. Mặc dù với những khởi đầu í ẹ vào đầu 2022 nhưng với những hình ảnh đầu tiên về những cái tên sắp ra rạp vào nửa cuối năm, mình nghĩ là thị trường phim kinh dị Việt Nam cũng sẽ có sự khởi sắc.

* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim Việt

Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Mười: Lời Nguyền Trở Lại? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Nga Cao

Nga Cao

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Nga Cao

Nga Cao

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Nga Cao

Nga Cao

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Lindo

Lindo

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Nga Cao

Nga Cao

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.

Lan Phương bụng bầu 6 tháng, rạng rỡ trong ngày ra mắt phim Kẻ Ăn Hồn

Đức Nguyên

Đức Nguyên

Vượt qua nhiều vòng kiểm định chặt chẽ, Kẻ Ăn Hồn cũng đã chính thức được công chiếu tại các rạp trong toàn quốc, phục vụ những fan của dòng phim kinh dị.